1. Triệu chứng lâm sàng
Rubella virus lây truyền qua không khí, người bị nhiễm bệnh truyền virus cho người khác thông qua những giọt nước nhỏ từ đường hô hấp trên. Quá trình diễn biến của nhiễm Rubella như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: kéo dài khoảng 2-3 tuần sau khi bị nhiễm, virus Rubella tăng sinh ở đường hô hấp trên và trong máu. Đây là giai đoạn dễ lây bệnh, có thể phát hiện virus Rubella trong dịch cuống họng và trong máu.
- Giai đoạn toàn phát: 1-3 ngày tiếp theo là giai đoạn phát ban và xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như sốt, đau khớp, sưng hạch; bắt đầu xuất hiện kháng thể IgM và IgG; virus bị biến mất nhanh khỏi dịch cuống họng và máu.
- Giai đoạn hồi phục: trong giai đoạn này IgM tăng cao nhất trong khoảng 1-2 tuần rồi giảm dần và biến mất trong khoảng 1-2 tháng; trong khi đó IgG tiếp tục tăng trong khoảng 1 tháng, rồi tồn tại suốt đời, giúp cho cơ thể chống tái nhiễm Rubella.
Bệnh Rubella ở trẻ em thường diễn biến nhẹ, có khi không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, thường hồi phục sau 1-3 ngày. Ở người lớn, bệnh thường biểu hiện rõ ràng hơn, có thể kéo dài hơn, song thường tự khỏi. Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sảy thai hoặc gây hội chứng Rubella bẩm sinh cho trẻ bao gồm mù mắt, câm điếc, bệnh tim bẩm sinh và chậm phát triển trí tuệ . Vì vậy, việc chẩn đoán xác định nhiễm Rubella, đặc biệt ở những phụ nữ những tháng đầu mang thai là vô cùng quan trọng.
2. Xét nghiệm
Chẩn đoán nhiễm Rubella thường dựa vào các xét nghiệm miễn dịch định lượng Rubella IgM và IgG. Hiện nay, việc xác định chính xác nhiễm Rubella qua định lượng các kháng thể Rubella IgM và Rubella IgG đặc hiệu. Tuy nhiên, kỹ thuật này khá tốn kém và không nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện được. Việc sử dụng test Rubella nhanh để phát hiện kháng thể trong máu được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể để đáp ứng với một bệnh nhiễm trùng do virus rubella.
Có hai loại kháng thể rubella là IgM và IgG. Kháng thể Rubella IgM xuất hiện trong máu sau khi tiếp xúc virus rubella. IgM tăng lên và đạt đỉnh trong máu trong khoảng 7 đến 10 ngày sau khi nhiễm rubella, sau đó giảm dần kéo dài trong vài tuần. Các kháng thể rubella IgG xuất hiện chậm hơn IgM nhưng có thể tồn tại trong máu suốt đời.
Kỹ thuật sắc ký miễn dịch để phát hiện kháng thể virus rubella đang được thực hiện tại khoa Xét nghiệm bệnh viện trường Đại học Y khoa Thái Nguyên.
* Biện luận kết quả
- Nếu IgM âm tính và IgG âm tính: kết quả này có thể gặp trong 2 tình huống:
+ Bệnh nhân chưa từng bị nhiễm Rubella, là người có thể có nguy cơ bị mắc Rubella; nếu chưa có thai, cần được tiêm chủng, sau đó 3 tháng mới có thể thụ thai; nếu đã có thai, cần được theo dõi chặt chẽ để xử lý nếu bị nhiễm Rubella.
+ Bệnh nhân bị nhiễm Rubella nhưng đang trong giai đoạn ủ bệnh, chưa tạo được các kháng thể IgM và IgG. Nếu nghi ngờ có thể thực hiện lại xét nghiệm sau đó khoảng 2-3 tuần.
- Nếu IgM dương tính và IgG âm tính:
Trường hợp này bệnh nhân mới bị nhiễm virus rubella, mới có IgM đáp ứng. Nên làm lại xét nghiệm IgM và IgG sau đó 2 tuần. Nếu IgM vẫn dương tính và xuất hiện IgG, chắc chắn bị nhiễm Rubella. Nếu IgM vẫn dương tính và IgG âm tính, kết quả IgM là không đặc hiệu.
- Nếu IgM âm tính và IgG dương tính: kết quả này có thể gặp trong 2 tình huống:
+ Nếu nồng độ IgG tăng đáng kể, IgM âm tính và không biểu hiện triệu chứng nhiễm Rubella chứng tỏ bệnh nhân đã được miễn dịch do bị nhiễm Rubella trước đó hoặc đã được tiêm phòng. Những phụ nữ này không có nguy cơ bị nhiễm Rubella trước sinh.
+ Nếu nồng độ IgG thấp thì có thể bệnh nhân mắc bệnh Rubella, IgG xuất hiện sớm trong khi IgM còn chưa xuất hiện. Cần làm lại xét nghiệm Rubella IgM và IgG sau đó khoảng 1 tuần, nếu Rubella IgM dương tính và IgG tăng lên thì bệnh nhân mắc bệnh Rubella cấp.
- Nếu IgM dương tính và IgG dương tính:
+ Nếu có các triệu chứng lâm sàng trước đó thì có thể chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm Rubella cấp tính. Nếu nghi ngờ có thể làm thêm xét nghiệm ái tính với Rubella IgG (Rubella IgG avidity).
+ Nếu không có dấu hiệu lâm sàng, IgM (+) tính có thể do kháng thể IgM tồn tại dai dẳng hoặc IgM không đặc hiệu, cần làm thêm xét nghiệm ái tính với Rubella IgG.
3. Phòng ngừa
Hiện nay đã có vaccin hiệu quả phòng ngừa Rubella, thường được tiêm chung một mũi gồm vaccin MMR (measles, mumps, rubella) ngừa cả sởi, quai bị và Rubella. Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ cần được tiêm chủng phòng Rubella nếu chưa từng bị nhiễm Rubella.
4. Chỉ định thực hiện test Rubella nhanh
Phụ nữ mang thai hoặc đang có kế hoạch mang thai.
Chỉ định bắt buộc nếu phụ nữ mang thai có dấu hiệu nhiễm rubella.